Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Chiếc bồn tiểu lật ngược - tính hai mặt của vạn vật


Năm 1917, Marcel Duchamp - nghệ sĩ xếp thứ 5 trong top 10 danh hoạ vĩ đại nhất thế kỷ 20, đã gửi một tác phẩm của mình với tên gọi là Fountain (vòi phun nước) đến triển lãm của Hội Nghệ sĩ Độc lập ở New York. Fountain đơn giản là một chiếc bồn tiểu lật ngược với chữ ký ký tự viết tắt đầy ngụ ý của Duchamp trên đó (ảnh dưới bài viết là một bản sao phục dựng). Hiển nhiên, tác phẩm này gặp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng nghệ thuật truyền thống và vô số chỉ trích của những nghệ sĩ tên tuổi đương thời khác, trong đó có cả Pablo Picasso, ông hoàng của nghệ thuật trừu tượng.

Thời gian đã thay đổi tất cả, Fountain sau đó đã trở thành tác phẩm kinh điển giúp định nghĩa lại bản chất của nghệ thuật và trở thành một trong những biểu tượng quan trọng nhất của trường phái nghệ thuật làm sẵn (readymade art). Ngày nay, trong các lớp đại cương về kiến trúc điêu khắc hay hội hoạ của châu Âu, các giáo sư thường bắt đầu bài giảng bằng việc cho các sinh viên xem ảnh Fountain và tranh luận để phân định đây có phải là một tác phẩm nghệ thuật hay không. Sự kịch tính của những cuộc tranh luận này luôn là một khởi đầu rất thuận lợi cho các giáo sư dẫn dắt sinh viên vào cánh cửa của thánh đường nghệ thuật.
Vạn vật trên đời vốn dĩ có tính hai mặt, trắng hay đen, âm hay dương luôn cùng xuất hiện và tương hoà với nhau trong một tổng thể nhất định và cùng ở trạng thái cân bằng. Khi đó, chúng ta và thế giới này mới có thể tồn tại.
Những ngày qua, khi sự phẫn nộ của người Việt dâng lên cao trào với 20 du khách từ Hàn Quốc không chịu cách ly tại bệnh viện và đưa tin trái sự thật về sự tiếp đãi của Việt Nam, không ít thông tin cho rằng những phản ứng của cộng đồng là thái quá và rằng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc. Thực ra, nghe sơ qua tưởng chừng hợp lý nhưng nghĩ kỹ ra cũng chả có gì thuyết phục. Việc phản ứng là cần thiết, vì trước hết nó là quốc thể về cách ứng xử của một đất nước hiếu khách trước nguy cơ của bệnh dịch, sau nữa nó còn mang thông điệp về bộ mặt ngành du lịch nước nhà đang bị bóp méo bởi kênh truyền hình YTN - Hàn Quốc.

Sai thì sửa, chửa thì đẻ. 20 người Hàn Quốc hay quý anh Dan Hauer với cái mồm thối một thời bắt buộc phải nhận thấy sai lầm của mình khi truyền tải đi những thông tin sai lệch về Việt Nam. Nếu chúng ta đã im lặng thì sẽ mãi mãi không bao giờ có được những dòng hastag xin lỗi Việt Nam từ nước bạn. Rất công bằng và rõ ràng. Như cách chúng ta đã bao lần phải lắc đầu lên tiếng nhìn nhận về tình trạng người nước mình trộm vặt tại Nhật.
Bức hoạ nào mà không lem màu, mỹ nhân nào mà chẳng có chỗ tì vết, con sâu ngẫm cho cùng chẳng thể nào làm ảnh hưởng đến chất lượng nồi canh quan hệ bang giao. Hết dịch, khách Hàn Quốc vẫn sẽ trở lại Việt Nam miễn chúng ta vẫn còn giữ được cảnh quan du lịch tự nhiên cùng dịch vụ du lịch chuyên nghiệp và lòng thiếu khách vốn có. Cú bắt tay mới đây giữa Bamboo và Vinpearl sẽ bảo đảm cho điều đó. Có một số liệu khá thú vị, trong suốt thời gian vừa qua, lượng khách từ Nga vẫn không suy giảm mạnh, đặc biệt số khách đăng ký đến Nha Trang tăng mạnh vào đầu tháng 3. Quả nhiên, vodka luôn xứng danh thần dược, có điều nó không hiệu quả được với Putin vì khi Putin uống vodka, vodka say Putin.
Khi trẻ trâu Hàn Quốc Hàn Quốc kêu gọi Samsung rời khỏi Việt Nam và một bộ phận người nước ngoài nói tiếng Việt với sở thích tự nhục cảm thấy chột dạ, bọn chúng là quên mất phải đặt một câu hỏi tiếp theo là nếu rời Việt Nam thì Samsung sẽ đi đâu? Trong Đông Nam Á, nếu nói về độ thấp của thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore với 2% trong khi các điều kiện về ưu đãi đầu tư đều rất tương đương nếu không muốn nói là vượt trội hơn so với nhiều nước khác. Ngoài ra, khác biệt trọng yếu cho môi trường kinh doanh của Việt Nam đến từ sự ổn định chính trị, thứ mà Thái Lan lẫn Malaysia không bao giờ có được.
Hợp tác giữa Việt Nam với Samsung vốn dĩ là một cuộc chơi sòng phẳng cho cả hai bên. Những tưởng người Việt được lợi thế về nguồn vốn đầu tư, công nghệ cũng như việc làm cho hàng ngàn người lao động nhưng lợi ích của người Hàn có được ở thị trường Việt Nam cũng không hề kém cạnh. Samsung Electronics hiện có 4 công ty tại Việt Nam bao gồm SEV (Samsung Bắc Ninh), SEVT (Samsung Thái Nguyên), SDV (Samsung Display Việt Nam) và SEHC (Samsung HCMC CE Complex). Cả 4 công ty này đều được hưởng rất nhiều ưu đãi đầu tư từ miễn trừ các loại thuế đến hỗ trợ tiền thuê hạ tầng và cả chi phí đào tạo. Táo bạo hơn, năm 2019, Samsung thậm chí còn xin ưu đãi cả giá điện cho trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội của SEV.
Trên đời, không thứ gì giữ chặt chân doanh nghiệp vào một đất nước hơn là hàng tỷ USD doanh thu hàng năm đến từ sự ưu đãi của Chính phủ. Samsung có lấy chổi quét cũng sẽ chẳng rời Việt Nam cũng như làn sóng các công ty Hàn Quốc đổ vào thị trường này chắc chắn sẽ không bao giờ giảm. Đơn giản, làm kinh doanh thì không ai chê tiền.
Cà khịa tự tôn một chút thì đã làm sao? Ngạo nghễ to tiếng một chút thì đã làm sao? Dân tộc này chẳng phải đã làm được những điều không tưởng từ những tư duy có phần AQ như thế sao? Đoàn kết trước ngoại xâm nhưng lại thích đâm đểu nhau khi no cơm ấm cật vốn dĩ là một trong những đặc tính của dân An Nam. Chính cái thứ dân tộc tính có phần húng trước ngoại bang mới là thứ keo nhiệm màu kết dính cả dân tộc lại. Đừng hỏi vì sao mà ngay cả đài truyền hình quốc gia cũng tham gia tích cực vào công tác cà khịa. Đơn giản, nó giúp người Việt đoàn kết lại, có niềm tin vào nhau để cả dân tộc cùng vượt qua những khó khăn trước mắt.
Đất lành thì chim đậu, đất không lành thì đất nhậu luôn chim. Chân lý ấy có thể thay đổi nhưng dòng người và dòng vốn đổ vào Việt Nam thời gian sắp tới là điều chắn chắn sẽ không bao giờ thay đổi.
“Tao mà có chân tao cũng đi đến Việt Nam thời điểm này.” - một số cây cột điện giải bày tâm sự với phóng viên thường trú đài truyền hình Việt Nam ở các xứ sở thượng đẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét