Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Thế nào là học sinh “giỏi toàn diện”?

Mình thấy lạ, vì thực sự cái khái niệm này rất mơ hồ. Tại các trường ĐH, CĐ, các khối ngành đều dựa trên các nền tảng khoa học và bộ môn chuyên biệt, yêu cầu các yếu tố kiến thức, nền tảng, đam mê, yêu thích của học sinh, sinh viên phù hợp với ngành học đó. Ví dụ như muốn vào Nhân Văn Hà Nội chẳng hạn, học sinh cần có các khả năng về một số môn học thuộc khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa hay Giáo dục công dân.

Giờ nhồi thêm cả Toán, Anh vào để tính xét tuyển vào các khối ngành Khoa học xã hội. Hay nhồi thêm Sinh vào tổ hợp thi tuyển vào khối ngành Kỹ thuật, nhồi thêm Lý vào tổ hợp thi tuyển vào khối ngành Y, thành thử ra thừa thãi, lủng củng, lan man. Thậm chí còn khiến cho mục tiêu tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao có chuyên môn, kiến thức chuyên biệt về một ngành nào đó bị xa rời. Thay vì 3 môn như đề án trước, tăng gấp đôi thành 6 môn, trong khi thời gian đến lúc kết thúc các kỳ thi chỉ còn chưa được 4 tháng.
Dạo trước, khi còn là sinh viên của trường Nhân Văn, thầy giáo mình có đặt câu hỏi “Tại sao người ta lại mở rộng tuyển sinh cả khối tự nhiên, kỹ thuật cho một trường thuộc ngành Khoa học xã hội?”. Câu hỏi đó, khiến một đứa thuộc khối xã hội như mình cảm thấy khó hiểu. Rồi một việc đã tồn tại bấy lâu qua, tại Nhân Văn, đó là việc phổ điểm đầu vào trong cùng một ngành học của các môn khoa học xã hội luôn cao hơn phổ điểm đầu vào của các môn khoa học tự nhiên. Ví dụ vào năm 2019, điểm chuẩn đầu vào ngành Xã hội học, đầu vào điểm chuẩn tổ hợp A00 là 18 điểm, trong khi điểm chuẩn tổ hợp C00 là tận 23,5 điểm, chênh nhau 5,5 điểm. Thậm chí ngành Đông Nam Á học có đầu vào điểm chuẩn khối A00 là 20, nhưng đầu vào điểm chuẩn khối C00 tận 27 điểm, tức là chênh nhau tận 7 điểm.
Thầy mình nói, nếu không tuyển thêm sinh viên khối tự nhiên, thì khả năng trường sẽ không đủ sinh viên theo học. Vì nếu giảm điểm chuẩn, chất lượng đầu vào sẽ bị ảnh hưởng. Thay vào đó, một quyết định mở rộng thêm khối đầu vào, đặt điểm chuẩn khối đó thấp hơn một chút, sẽ thu hút thêm nhiều học sinh hơn. Ngay từ hồi còn học THPT, dư luận phần lớn nghĩ rằng, muốn học giỏi Văn, Sử, Địa thì chỉ cần chăm chỉ, cần cù, học thuộc là được. Chẳng lẽ, người đời thực sự nghĩ rằng, từ một học sinh chuyên tự nhiên có thể quay ngoắt sang học xã hội dễ dàng như vậy hay sao?
Một số giải thích có thể được đưa ra, là việc ví dụ như học Nhân Văn, vẫn có một số môn cần Toán như Thống kê, Logic, SPSS, nhưng nó chỉ là các học phần quy mô nhỏ, chiếm ít thời lượng và ít giá trị hơn so với kiến thức nền tảng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra, có cần đưa Toán học trở thành một môn thi ngang với Văn, Sử, Địa hay không? Hay các trường kỹ thuật, cơ khí có hơn chục tín chỉ liên quan đến triết học, tư tưởng, vậy có cần phải đưa Lịch sử vào bộ môn thi tuyển không?
Và rồi, câu chuyện “giỏi toàn diện” đưa ra nhiều bi kịch.
Như việc khối các trường Y nhóm họp riêng với nhau, vì tự dưng lại chen đâu thêm môn “Lý” vào trong tổ hợp. Thậm chí, có phương án được đề ra là khối các trường Y có thể tổ chức một kỳ thi chung. Tức là mỗi thí sinh thi vào ngành Y sẽ có hai cuộc thi, tốt nghiệp THPT và thi chung. Chưa kể, sẽ có một lượng không nhỏ các thí sinh thi vào Y sẽ tham gia các cuộc thi tuyển sinh riêng ở các khối ngành khác, ở các trường khác vì chỉ tiêu ngành Y khá ít và điểm chuẩn rất cao. Nếu “trượt vỏ chuối” thì phải có phương án dự phòng chứ? Bản thân khối các trường Y cũng khó có thể xét theo phương án lấy điểm kỳ thi THPT được, vì bên trên đã ban hành rằng đề thi tốt nghiệp sẽ “nhẹ nhàng hơn” và “lược bớt” kiến thức, phổ điểm các khối Y vốn đã cao rồi, bây giờ đề thi dễ hơn nữa, thì sẽ phải giải quyết thế nào?
Rồi một chuyện nhùng nhằng khác nữa, đó là việc mỗi trường lại có phương án tuyển sinh riêng. Mỗi phương án tuyển sinh riêng đó lại bao gồm những quy định tuyển sinh khác nhau. Đồng hành với điều đó là khối lượng kiến thức các trường giới hạn và đề cương cũng tách biệt, cách thức thi khác, có trường viết luận, có trường thì trắc nghiệm, có trường sử dụng học bạ, có trường lại sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dẫn tới việc các thí sinh, phụ huynh “chạy theo” cũng đủ mệt mỏi, thậm chí đến thời điểm này, có khá nhiều trường vẫn đang chưa công bố phương thức tuyển sinh dù đã vào cuối tháng 4, tức là chỉ còn 3 tháng nữa đến ngày kết thúc các cuộc thi tuyển sinh.
Rồi sẽ lại là một cuộc đổ bộ đến các thành phố lớn để tham gia các kỳ thi riêng, không khác gì cung cách tuyển sinh của cả chục năm trước. Điều tất nhiên, vì vốn các trường không có đủ lượng thí sinh ứng tuyển hoặc kinh phí để tự tổ chức tại các điểm thi địa phương.
Mình thực sự đánh giá cao phương án tuyển sinh các năm 2017, 2018, 2019 vì độ hoàn thiện cao, quy chuẩn thống nhất cả nước và tính thuận tiện cho cả phụ huynh và học sinh, đó là phương án kì thi chung quốc gia, lấy xét tốt nghiệp và lấy căn cứ để ứng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Mặt khác, phương án này còn cho phép các trường có chất lượng cao như ĐH Quốc Gia Hà Nội hay ĐH Quốc Gia TPHCM tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng, đảm bảo được đầu vào, độ uy tín, chất lượng giảng dạy.
Dù sao thì phương án chung đã được chốt rồi, phương án riêng của từng trường thì đang được hình thành và các em phải tuân theo guồng quay ấy.
Nói chung là mình cũng từng trải qua giai đoạn như mọi người, tiện đây nói vui chút. Thật may vì hồi ấy, mình lại là một thằng kệ mẹ thiên hạ, chỉ học Văn, Sử, Địa, dẫn tới điểm số tại lớp chỉ đứng thứ 38/44. Mà lớp mình phải tệ nhất nhì khối, cũng không phải học tại trường chuyên. Hồi đó mình thi 6 môn tốt nghiệp chỉ được 30,5 điểm, tính cả điểm nghề là 33 điểm.
Mỗi thời mỗi khác, không nên khắt khe với tụi nhỏ quá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét