Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

ĐỪNG CHÍNH TRỊ HÓA VỤ ÁN HÌNH SỰ HỒ DUY HẢI!

Ngày 8-5-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao kết thúc phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, bị kết án về hai tội giết người và cướp tài sản. Theo quyết định cuối cùng thì kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải bị bác. Qua các phân tích, lập luận tại phiên tòa, đại diện Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nêu rõ, việc điều tra, truy tố, xét xử và tuyên án trước đó đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội. Cơ quan tố tụng không mớm cung, ép cung đối với Hồ Duy Hải. Để đưa ra quyết định cuối cùng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm đã lấy biểu quyết của các thành viên trong Hội đồng Thẩm phán về từng nội dung cụ thể: Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả có 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.
Theo quan sát của tôi, rõ ràng, nhiều người đang chính trị hóa vụ án hình sự. Các thế lực thù địch, thành phần bất mãn, lợi dụng vụ việc này để công kích Nhà nước. Trang Việt ngữ của đài BBC, RFA, RFI và trang mạng của tổ chức khủng bố Việt Tân đã có một cơ hội lớn để nói xấu Việt Nam. Riêng đài BBC đăng một loạt bài viết. Các địa chỉ truyền thông này đã mời các “chuyên gia” phát biểu, nhưng những người đó là các nhân vật chống cộng, có quan điểm thù địch với Đảng và Nhà nước nên họ không thể đánh giá khách quan và công tâm. Một số văn nghệ sĩ cũng hăng hái phát biểu và phê phán Hội đồng Thẩm phán Tòa án, nhưng ý kiến họ nêu ra cho thấy họ đánh giá theo cảm tính, có người viết ra chỉ để thể hiện mình có hiểu biết hoặc hợp gu với trào lưu.
Cá nhân tôi nhìn nhận vụ việc này với tư cách là một người quan sát độc lập và là một Luật gia. Trước đây tôi tốt nghiệp ĐH Luật ở ĐH Tổng hợp Jena, chuyên ngành đào tạo Kiểm sát viên, luận văn tốt nghiệp của tôi viết về đề tài Luật hình sự. Một môn học có thi kiểm tra của tôi là Khoa học kỹ thuật hình sự, tiếng Đức Kriminalistik (bao gồm công tác thu thập chứng cứ tại hiện trường, phân tích chứng cứ …). Trong gần ba thập kỷ qua, trong công tác tại Cơ quan liên bang thuộc Bộ nội vụ liên bang Đức tôi thường xuyên tiến hành công việc thu thập chứng cứ và phân tích chứng cứ.
Cũng cần nhắc tới một chi tiết không nên bỏ qua: Một số nguyên tắc pháp lý có tính phổ quát ra đời từ các nước phát triển đã được Việt Nam tiếp nhận, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, … của mình. Mấy thập kỷ qua, CHLB Đức đã tích cực giúp Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều chuyên gia pháp lý của Việt Nam được cử sang Đức nghiên cứu và nâng cao tay nghề. Đó là điều dễ hiểu, Việt Nam đã vận dụng nhiều kinh nghiệm của Đức trong việc biên soạn các Bộ luật. Nhiều nguyên tắc hoạt động của tòa án, khái niệm, định nghĩa … Việt Nam đã “bắt chước” của Đức (khái niệm thủ tục Giám đốc thẩm trong tiếng Đức là Kassationsverfahren).
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thủ tục Giám đốc thẩm là trình tự các hoạt động của toàn bộ quá trình xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong quá trình xét xử. Theo quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Theo luật của Đức và của Việt Nam, bằng chứng được phân thành hai loại: Bằng chứng thực tế (tài liệu, dấu vết, dụng cụ thực hiện hành vi phạm tội, đồ vật mà hung thủ chiếm đoạt được …) và bằng chứng cá nhân (nhân chứng và giám định viên, chuyên gia). Lời thú tội không chính thức nhằm làm bằng chứng, nhưng được coi là bằng chứng cá nhân. Lời thú tội chỉ có giá trị, nếu lời thú tội xác nhận được rằng bị cáo là người biết rõ hành vi phạm tội đã được thực hiện như thế nào và khớp với các bằng chứng thực tế chỉ ra, điều mà chỉ có người trong cuộc mới biết được như thế. Tuy có những sai sót khi thu thập và đánh giá chứng cứ, nhưng trong thủ tục Giám đốc thẩm này đã xác định được: Những chứng cứ chủ chốt đã được đưa tại thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm đã xác định chính xác HDH là thủ phạm. Những mâu thuẫn được nêu lên bây giờ không thể dẫn đến kết luận, HDH bị oan. Cuối cùng, với đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước, HDH cũng đã nhận tội lỗi của mình. Nhiều người đã cố tình bỏ qua chi tiết quan trọng này.
Một số người hiểu lầm và nghĩ rằng, trong thủ tục Giám đốc thẩm này phải xử lại, nhưng thực ra, công việc chính ở đây là kiểm tra lại mà thôi. Về nguyên tắc, nếu sai phạm nghiêm trọng đến mức làm thay đổi bản chất vụ án thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật được hủy và trả về Tòa án trước đó xét xử lại và cần thiết cho điều tra thêm. Nếu không, bản án của thủ tục phúc thẩm có hiệu lực thi hành.
Có người nói rằng, “Tòa tối cao mà hành xử bằng đầu phiếu, theo kiểu thiểu số phục tùng đa số thì thật sự đó không phải là cách hành xử của công lý”. Đây là phát biểu tào lao, không hiểu biết cách hoạt động của Hội đồng xét xử. Bởi vì, ở quốc gia nào cũng vậy, dù là thủ tục xét xử của tòa án thấp nhất là tòa án huyện hoặc cấp huyện cho đến tòa án tối cao nhất, trước hết trong phiên tòa, các bên tham gia tranh cãi và sau đó quyết định cuối cùng được ra bằng cách các thành viên của Hội đồng xét xử cho ý kiến chống, tức là biểu quyết. Ở CHLB Đức, tòa án tối cao nhất là Tòa án hiến pháp Liên bang (tiếng Đức Bundesverfassungsgericht) khi quyết định, ngay cả về các vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của Đất nước cuối cùng cũng thông qua biểu quyết.
Ông bà ta vẫn dạy, “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”, nếu không, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét