Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Việt nam ko cần hậu duệ mặt trời nào cả


LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH VIỆT NAM TẠI NAM SUDAN.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (United Nations Mission in South Sudan – UNMISS) với nhiệm vụ hỗ trợ chính phủ Nam Sudan trong việc củng cố nền hòa bình, thúc đẩy xây dựng nhà nước bền vững và phát triển kinh tế, đồng thời ngăn ngừa xung đột và giảm thiểu thương vong cho dân thường [1].
Cộng hòa Nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011 sau khi tách ra khỏi Cộng hòa Sudan. Đây là một trong những quốc gia trẻ nhất trên thế giới, đồng thời cũng là quốc gia nghèo nhất trên thế giới nguyên nhân không có gì khác ngoài các cuộc xung đột, các cuộc nội chiến xảy ra liên miên kéo dài.
Thực hiện theo chính sách đối ngoại chủ động, tích cực tham gia hội nhập các hoạt động trên trường quốc tế đồng thời luôn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, một quốc gia có uy tín “chúng ta nói là chúng ta làm” [2].Do đó, vào cuối năm 2012 Bộ Ngoại Giao đã xây dựng đề án Việt Nam tham gia Hội đồng Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc và được Bộ Chính trị thông qua. Hợp tác Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong hợp tác quốc phòng cả song phương và đa phương của Việt Nam với các nước, các tổ chức trong khu vực và quốc tế. Tại Đối thoại Shangri-La 12 vào tháng 5-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam quyết định tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng như công binh, quân y, quan sát viên quân sự [3].
Đối thoại Shangri-La (SLD) hay còn gọi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (tổ chức tại khách sạn Shangrila - Singapo) bắt đầu từ năm 2002 là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hằng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Trong hội nghị này có sự tham gia của các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.Chủ đề thảo luận của hội nghị bao gồm các chương trình hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó với thảm họa thiên nhiên.
Việt Nam chính thức tổ chức Lễ thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam vào ngày 27/5/2014, đồng thời cử lực lượng tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2014 và cử hai sĩ quan quân sự (chức danh) đầu tiên tham gia với vai trò là Sĩ quan liên lạc, quan sát viên quân sự tại Nam Sudan là Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn.
Trải qua một thời gian hoạt động tại các phái bộ cũng như cử thêm những sĩ quan tham mưu ở Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và phái bộ Cộng hòa Nam Sudan với nhiệm vụ làm quen, nắm tình hình, trau dồi khả năng của từng sĩ quan, khả năng chỉ huy tham mưu của quân đội. Liên tục tác chiến, hoạt động, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời cũng là những người đi đầu thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như Tổ quốc tại các Phái bộ và chính họ sau này cũng trở thành đội ngũ tiền trạm cho lực lượng cán bộ, bác sĩ của bệnh viện dã chiến cấp 2 cũng như đại đội Công binh của Việt Nam sau khi lên đường tới các phái bộ. Một thông tin thêm về lực lượng sĩ quan liên lạc ở phái bộ đó là khi làm nhiệm vụ sẽ không được mang vũ khí, phải giải quyết các vấn đề bằng đàm phán. Tuy nhiên vẫn có lực lượng bảo vệ mang vũ khí đi cùng và cũng chỉ được bảo vệ ở vòng ngoài, còn sĩ quan liên lạc sử dụng vũ khí là “đàm phán” khi tiếp cận giải quyết các vấn đề liên quan.
Ngày 22/11/2017, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Quyết nghị về việc tổ chức lại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Vietnam Department of Peacekeeping Operations) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 5291/QĐ-BQP về tổ chức lại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và một Trung tâm huấn luyện trực thuộc Cục.
Như đã nói, Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tới thời điểm đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 đi tới Nam Sudan, thời điểm đó chúng ta chính thức trở thành một đơn vị hành động cụ thể, chuyên sâu và quy mô hơn với nhiệm vụ quân y cho phái bộ của Liên Hợp Quốc.
BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN CẤP 2.
Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, bên cạnh các phòng (Phòng Tham mưu – Kế hoạch, Phòng Công tác địa bàn, Phòng Hợp tác Quốc tế, Phòng Huấn luyện), ban (Ban Hậu cần Kỹ thuật, Ban Tài Chính, Ban Chính trị) và Trung tâm huấn luyện trực thuộc Cục [4] còn có thêm Bệnh viện dã chiến cấp 2 [số 1 (2.1), số 2 (2.2), số 3 (2.3),..]
Bệnh viện dã chiến cấp 2 theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc bao gồm: khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân một ngày; khả năng hối sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; khả năng thực hiện 3-4 ca phẫu thuật một ngày có gây mê; khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; thực hiện 10 ca X-quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày, có 2 đội y tế cấp cứu ngoại viện, tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao – thuốc chữa bệnh trong bất kì tình huống nào.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam được xây dựng tháng 10/2018 (tiếp quản nhiệm vụ của bệnh viện dã chiến số 2 Vương quốc Anh) với đội ngũ là các cán bộ quân y dày dặn kinh nghiệm thành lập từ 3 đơn vị chính: Bệnh viện quân y 175, cán bộ chiến sĩ từ quân đoàn 4 và quân khu 7. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 thành viên làm nhiệm vụ trong vòng 1 năm tại phái bộ Nam Sudan (Bentiu, Cộng hòa Nam Sudan). Bệnh viện dã chiến của Việt Nam, ngoài điều trị cho các bệnh nhân là nhân viên của Liên Hợp Quốc tại Bentiu, giới chức địa phương và nhân dân khi có yêu cầu của Phái bộ LHQ, không chỉ vậy nếu xảy ra các tình huống khẩn cấp như xung đột, tai nạn hỗn loạn thì bệnh viện dã chiến sẽ là nơi đưa các nạn nhân tới chữa trị. Thế nên, hi vọng Nam Sudan có thể mau chóng yên bình để đội ngũ các cán bộ, chiến sỹ Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, nhân dân không còn phải gặp khó khăn trong quá trình sinh sống, công tác.
Lực lượng BVDC cấp 2.2 (trực thuộc Học viện Quân y) là những quân nhân ưu tú, nòng cốt lựa chọn từ Học viện quân y, Tổng cục Hậu cần, Quân khu 3 Cục GGHB Việt Nam, Cục Quân y. Lên đường thay nhiệm vụ cho các cán bộ, chiến sỹ BVDC cấp 2.1 tháng 10/2019.
Bệnh viện dã chiến cấp 2.3 (ra mắt ngày 4/3/2020, trực thuộc Bệnh viện Quân y 175) được thành lập để huấn luyện, đào tạo, tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Lực lượng cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 là những quân nhân ưu tú được lựa chọn từ các đơn vị: Bệnh viện Quân y 175, Cục GGHB Việt Nam, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9…
Chúng ta đã phái khiển được 37 lượt sĩ quan, cán bộ tham gia vào 2 phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, 27 lượt cán bộ sĩ quan hoàn thành nhiệm vụ trở về, 7 cán bộ, sĩ quan được Liên Hợp Quốc đánh giá xuất sắc và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ. Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tỉ lệ này với các quốc gia khác chỉ là từ 1-2%
THÔNG TIN THÊM:
1.Việt Nam có 2 phái bộ thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
- Phái bộ Nam Sudan (Cộng hòa Nam Sudan)
- Phái bộ Cộng hòa Trung Phi.
2. Tại Cộng hòa Trung Phi, trên đường đi công tác sẽ gặp cả lực lượng đối lập và quân chính phủ. Mỗi lần thấy xe của Liên Hợp Quốc đi qua trạm kiểm soát họ thường lục lọi rất kĩ. Tuy nhiên, khi thấy xe có lá cờ đỏ sao vàng, sĩ quan gắn phù hiệu vải có chữ “Việt Nam” trên ngực nhóm binh lính canh gác sẽ ngay lập tức cho qua, nhờ vậy các chiến sỹ Việt Nam thường được tín nhiệm giao nhiệm vụ dẫn các đoàn xe của Liên Hợp Quốc. Các chiến sĩ Việt Nam gọi những lá cờ đỏ sao vàng, dòng chữ VIỆT NAM trên áo đó là những tấm “kim bài” đặc biệt.
3. Trung tá Liên Nguyễn là một trong những cán bộ chiến sỹ đầu tiên “phủ xanh” Trung Phi từ các hạt giống rau, củ chị mang từ Việt Nam, sau khi trồng ở Phái bộ và được các cán bộ, người dân ở đây xin và nhờ tư vấn cách trồng. Cũng chính nhờ những hành động này mà nhân dân, bạn bè ở các phái bộ vô cùng yêu quý và tôn trọng chị và đất nước Việt Nam. Trong tiềm thức của người dân Trung Phi nói riêng, châu Phi nói chung họ vốn dĩ rất ngưỡng mộ và yêu quý đất nước Việt Nam bởi vì mình đã giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời các hành động của cán bộ chiến sỹ mang nhiệm vụ quốc gia ở Cộng hòa Trung Phi cũng là một nhân tố làm khăng khít thêm nghĩa tình này.
4. Ngày Tết ở BVDC bên cạnh bánh chưng, bánh tét còn có mai, đào làm bằng cành cây khô gắn hoa giả.
5. Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam còn có một cái tên thân thương khác là Chiến sỹ mũ nồi xanh.
6. Nam Sudan ngoài xung đột, nghèo đói còn có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đất đai khô cằn chủ yếu là các cây bụi gai không lá và cây cỏ (những loại cây thường thấy ở vùng xavan, hoang mạc, đất nghèo dinh dưỡng) nhưng trong khu doanh trại bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam lúc nào cũng có màu xanh của hoa, rau nhờ “hành trang hạt giống” mà họ đem theo khi lên đường.
7. Thực hiện Nghị quyết của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 5 năm qua, Việt Nam đã cử 3 sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình theo hình thức cá nhân và 20 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra, được Liên hợp quốc hết sức ghi nhận.[5]
8. Lễ chào cờ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ của Bệnh viện dã chiến số 2.2 https://youtu.be/xgzsRKbfVO4 (tại Học viện Quân y)
9. Phim tài liệu “Bình Yên Nhé” https://youtu.be/k1FC8BTiOFg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét