Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

COVID19 - NHỮNG KẺ ĐẠO ĐỨC GIẢ VÀ NHỮNG NGƯỜI CHÂN THẬT (Kỳ IV)


4- Những “Anh bộ đội Cụ Hồ” của Tổ Quốc Việt Nam là những người chân thật nhất.
Không chỉ đương đầu với giặc ngoại xâm, tròng các cuộc chiến dương đầu với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh .v.v… Quân đội Nhân dân Việt Nam là lực lượng có tiềm lực mạnh nhất, có kỷ luật chặt chẽ nhất, có tổ chức cao nhất cũng luôn là lực lượng đi đầu bên cạnh lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế. Là những chiến sĩ biên phòng, họ giữ những cánh cửa then chốt của đất nước để ngăn chặn bệnh dịch từ bên ngoài xâm nhập, Là các chiến sĩ hậu cần, bộ binh, quân y, họ phong tỏa những người nghi nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh, cách ly, chăm sóc đời sống, sàng lọc, phát hiện và trích xuất những người nhiễm bệnh để chuyển đến các tuyến điều trị. Là các bác sĩ quân y, họ phối hợp với các bác sĩ, nhân viên y tế dân sự điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Là chiến sĩ phòng hóa, họ giúp tiêu tẩy trùng ở các sân bay, cảng hàng không, cửa khẩu, đường phố, nhà ở, doanh trại, các phương tiện vận chuyển và mọi vật dụng khác có thể lưu lại mầm bệnh. Là cán bộ chỉ huy, họ tổ chức, điều hành mọi công việc theo kế hoạch cũng như huy động lực lượng ứng phó với các trường hợp đột xuất nguy cấp, bảo đảm cho bộ đội luôn ở tư thế sẵn sang nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ở tuyến tiền tiêu, nhiệm vụ của một đồn biên phòng là bảo đảm an ninh cho hàng mấy chục km đường biên giới quốc gia. Phân nửa những nơi đó đều là rừng sâu núi thẳm, đèo dốc hiểm trở. Phần còn lại là cao nguyên bazan cho đến những ruộng lúa, trảng cỏ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bây giờ thì ngoài các nhiệm vụ như chống buôn lậu (nhất là buôn lậu ma túy), chống nạn buôn bán người, chống vượt biên trái phép, tuần tra, kiểm soát, dân vận 2 bên, phối hợp với nước bạn xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, họ còn có nhiệm vụ kiểm soát người từ vùng dịch nhập cảnh. Ngoài các cửa khẩu chính thức giữa Việt Nam và nước bạn, còn có hàng nghìn đường mòn lối mở. Tất cả đều phải lập chốt chặn. Nhiều tổ công tác đã hàng tháng trời đóng chốt ở các điểm cao biên giới, không để Tổ Quốc bị bất ngờ vì dịch bệnh theo chân người tràn sang.
Trong nội địa, đừng ai nghĩ rằng việc cách ly người từ vùng dịch trở về là đơn giản, Họ không phải là phạm nhân, họ không phải là tù nhân mà chỉ là những người đang bị nghi ngờ nhiễm dịch bệnh. Vì thế, phải chăm sóc họ chu đáo, phát hiện kịp thời những người có khả năng nhiễm bệnh, thăm khám, xét nghiệm, sang lọc và đưa đi điều trị, không để dịch bệnh lây lan. Chính phủ Việt Nam đã giao hẳn nhiệm vụ tổ chức cách ly cho những người đi qua/đến từ vùng dịch cho các “Anh Bộ đội Cụ Hồ”. Và từ ngày 23-3-2020, đã tổ chức cách ly cho tất cả những người nhập cảnh với số lượng hiện có là hơn 35.000 người và còn có thể tăng hơn nữa.
Trung khi các chiến đấu viên cùng các cấp chỉ huy của họ đã rời đi đóng quân dã ngoại thì một số lượng không nhỏ các chiến sĩ và chỉ huy hậu cần vẫn ở lại đơn vị. Họ chăm sóc cho những người đang cách ly ngày ba bữa ăn, lo từng tấm chăn, chiếc màn, tấm chiếu cho đến cái mắc áo, bánh xà phòng, tuýp thuốc đánh răng, cây bàn chải và các vật dụng thường ngày phục vụ bà con.
Thông thường thì các bữa ăn do các chiến sĩ nuôi quân phục vụ đơn vị thì chỉ việc xếp ra bàn ăn. Nhưng khi phục vụ bà con đang cách ly, họ phải đem các suất cơm được chia riêng cho từng người đến các khu nhà ở trong khi công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được soát xét đến mức tối đa. Vất vả đấy nhưng những người lính vẫn hàng ngày cần mẫn làm việc.
Những phút nghỉ trưa, họ trải chiếu trên sàn ngủ tạm một giấc ngắn lấy lại sức, để đến đầu giờ chiều lại bắt đầu vào việc. Còn buổi sang, họ dậy từ 3-4 giờ sáng. Thay cho tiếng kẻng báo thức huy động các chiến sĩ ra sân tập thể dục là tiếng dao thớt lách cách. Họ đang chuẩn bị bữa ăn sáng cho bà con. Cứ thế, hết ngày này sang ngày khác. Đến nay, có rất nhiều chiến sĩ đã liên tục làm công việc ấy suốt 3 tháng trời…
Các chiến sĩ quân y thì có nhiệm vụ khác. Mới nhìn thì tưởng là nhàn nhã nhưng thực tế là rất căng thẳng, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn và đặc biệt là không được mắc sai sót. Họ đo thân nhiệt, thăm khám hàng ngày cho đồng bào và phải phát hiện kịp thời những người có tình trạng sức khỏe bất thường, chẩn đoán, sáng lọc, cách ly bậc cao và đưa đi xét nghiệm những trường hợp nguy cơ cao, kịp thời chuyển những người có xét nghiệm dương tính đi điều trị. Chỉ cần sơ suất để lọt một trường hợp dương tính với virus là sẽ có cả vài chục người nhiễm bệnh.
Bản thân những chiến sĩ làm công việc cách ly ấy cũng phải tự cách ly chính mình. Những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tiếp xúc với những người được cách ly cũng ở một khu nhà riêng, nấu ăn ơ bếp riêng và hạn chế tiếp xúc với các “khu lành”. Họ chấp nhận làm việc lâu dài để hạn chế việc thay quân. Vì đằng nào thì sau khi kết thúc công việc, họ cũng sẽ phải cách ly 14 ngày theo quy định. Và những người mới đến thay thế cũng vậy. Thế là lại thêm một đội mới phải cách ly.
Đồng bào hoàn thành đủ thời gian 14 ngày cách ly mà không xuất hiện triệu chứng bệnh, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus đều mừng rỡ vì được về quê hương bản quán, về với cuộc sống thường nhật.. Nhưng những chiến sĩ làm nhiệm vụ phục vụ công tác cách ly chống dịch thì vẫn phải ở lại. Một đợt cách ly mới lại bắt đầu. Cho đến khi không còn dịch bệnh, không còn người phải cách ly, không còn mầm bệnh trong nước và Chính phủ Việt Nam công bố hết dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét