Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Covid19 - NHỮNG NGƯỜI LĂN XẢ CHỐNG DỊCH VÀ NHỮNG KẺ DẠI DỘT PHÁ BĨNH (Kỳ IV)


Thật là hết khôn dồn đến dại !
Ở Hàn Quốc thì nguyên nhân lây nhiễm giời ơi đất hỡi lại đến từ giáo phái Tân Thiên Địa (một nhánh bản địa của Đạo Tin lành ở Hàn Quốc). Những buổi cầu kinh đông tới hàng nghìn tín đồ của họ được người trong cuộc mô tả là chen chúc nhau như cá hộp mà không hề mang bất kỹ một vật dụng phòng hộ nào. Đơn giản nhất là chiếc khẩu trang. Giáo chủ của giáo phái này, ông Lee Mon Hee còn nói cứng với các tín đồ rằng Đức Chúa trời sẽ cứu rỗi họ khỏi mọi bệnh tật. Kết quả là hàng nghìn giáo đồ của Tân Thiên địa đã nhiễm COVID-19, thậm chí bệnh nhân COVID-19 số 31 (là tín đồ của giáo phái này) còn từ chối làm xét nghiệm rồi “tung tăng” đem mầm bệnh đi reo rắc nhiều nơi trước khi chịu đến bệnh viện thăm khám và bị đưa ngay vào nơi tập trung cách ly, điều trị. Đến hôm nay không rõ #31 còn sống hay đã chết.

Còn đối với người dân Anh Quốc thì bóng đá là “phong vũ biểu tinh thần” của đời sống dân chúng xứ đảo này. Họ cho rằng dừng giải đấu vô địch các đội vô dịch quốc gia Châu Âu trong khi các đội bóng Anh Quốc đang có lợi thế là một sự sỉ nhục đối với nền bóng đá lâu đời nhất hành tinh của họ. Trước sức ép từ các cổ động viên, Liên đoàn bóng đá Châu Âu vẫn tổ chức các trận đấu trong khuôn khổ lượt về vòng 1/8 Champions League. Và một hậu quả đáng buồn là trong trận đấu ngày 12-3-2020 giữa đội chủ nhà Liverpool với đội khách Atletico Madrid có tới trên 3.000 khán giả đến từ Tây Ban Nha (nước đang có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng) không chỉ đem lại tỷ số 4-2 có lợi cho đội khách mà còn tệ hại hơn ở chỗ đã có ít nhất 10 người ở vùng Merseyside được chẩn đoán là đã nhiễm virus SARS-COV-2. Trong đó có 6 cư dân của thành phố Liverpool, 3 ở hạt Wirral và 1 tại hạt Sefton.
Trong một diễn biến khác, toàn bộ đội bóng của các pháo thủ thành London Arsenal đã cùng bị cách ly với Huấn luyện viên Mikel Arteta của họ do vị huấn luyện viên này dương tính với virus SARS-COV-2. Quá bức xúc với kiểu cách làm ăn thiếu thận trọng của Liên đoàn bóng đá Anh, một chuyên gia về sức khỏe của tờ “Liverpool Echo” đã nhận xét: “Ở Madrid, họ thi đấu bên trong các sân đóng cửa, còn chúng ta lại để 3.000 cổ động viên của họ tràn đến thành phố này, ở lại Liverpool và ăn nhậu tại các hàng quán. Một phần trong số họ sẽ mang theo virus corona, và chúng ta sẽ có những người bị lây nhiễm ngay bởi điều đó. Chính phủ cần kiểm soát và dừng ngay việc đối xử với công chúng như trẻ con”.
Nói đến những cách chống dịch COVID-19 thì liệu pháp “Cầu kinh chống dịch” của Giáo phát Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc còn xa mới kỳ dị bằng những đề xuất của người Anh. Trong khi cả thế giới đang gồng mình để ngăn chặn sự lan tỏa của dịch COVID-19 và cứu được càng nhiều người càng tốt thì người Anh đã đưa ra những đề xuất có thể gọi là kỳ quái chứ không còn là kỳ dị nữa.
Ngày 13-3-2020, Trưởng cố vấn khoa học của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance cho rằng có thể tạo ra sự miễn dịch COVID-19 cho cộng đồng mà không chờ đến khi sản xuất được vaccine phòng ngừa virus SARS-COV-2. Dựa trên lý thuyết về “Miễn dịch bầy đàn”, ông ta lập luận rằng sự “miễn dịch bầy đàn” chỉ diễn ra khi phần lớn dân số được tiêm vaccine. Khi đó, virus nếu tấn công một vài người không được tiêm thì vẫn không thể lây lan. Tuy nhiên, hiện chưa có vaccine phòng bệnh COVID-19. Vì vậy, ông ta cho rằng cần có tới 60% dân số mắc dịch COVID-19 để tự họ tạo ra các kháng thể một cách tự nhiên. Patrick Vallance nói: “Chúng tôi nghĩ virus này (virus gây bệnh COVID-19) có thể quay trở lại, trở nên giống virus mùa. Cộng đồng sẽ trở nên miễn dịch với dòng virus này và đó sẽ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh này về dài hạn. Khoảng 60% dân số là con số mà các bạn cần để tạo ra miễn dịch cộng đồng”.
Thủ tướng Anh đương nhiệm Boris Johnson còn đưa ra cách xử lý kỳ quái hơn nữa để đối phó với dịch COVID-19 đang lan rộng ở nước Anh. Ông này khuyến cáo những ai có triệu chứng nên ở trong nhà ít nhất bảy ngày. Việc xét nghiệm sẽ bị hạn chế và chỉ ưu tiên cho người đã nhập viện với các triệu chứng nặng. Ông Johnson lập luận nếu có thể đẩy đỉnh dịch COVID-19 ra xa thêm khoảng 20%, sẽ có nhiều giường hơn cho người bệnh, nhiều thời gian hơn cho các nghiên cứu y tế và xã hội sẽ đối phó tốt hơn. “Trì hoãn đỉnh dịch là cách chúng ta có thể giảm bớt tác động của dịch bệnh”, Thủ tướng Anh nói.
Người đề xuất chiến lược này cho Thủ tướng Anh là ông David Halper, một thành viên thuộc Nhóm cố vấn khoa học cho các tình huống khẩn cấp thuộc chính phủ Anh. Theo ông này thì không cần ngăn chặn dịch bệnh mà ngược lại, cần chủ động để virus lây lan trên diện rộng đến khi đủ người nhiễm sẽ tự hình thành cơ chế miễn nhiễm cộng đồng và chặn đứng virus, hay còn gọi là thả nổi đỉnh dịch. Song song với quá trình này là các cơ quan y tế sẽ triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ những nhóm có nguy cơ tử vong cao như người cao tuổi để virus chỉ lây lan trong những nhóm đủ sức khỏe hình thành kháng thể. David Halper hùng hồn tuyên bố: “Đến khi không còn ai có thể nhiễm bệnh được nữa, sẽ không có thêm ca nhiễm mới và chúng ta coi như đã đánh bại được dịch”.
Những cách chống dịch kỳ quái trên đây vấp phải sự lên án kịch liệt của WHO và công chúng. Giáo sư Jeremy Rossman thuộc Đại học Kent (Anh) nhận xét đó là một chiến lược đối phó nguy hiểm. Muốn đạt mức miễn nhiễm cộng đồng thì virus phải lây nhiễm ít nhất 50% dân số Anh, (hơn 33 triệu người) mới có thể đảm bảo một ca nhiễm COVID-19 không thể lây cho nhiều hơn hai người bình thường. Hiện tỷ lệ tử vong trên tổng số ca đóng (tức là số ca được chữa lành hoặc đã tử vong) của nước này vào khoảng 35,71% tính đến ngày 13-3-2020. Điều đó có nghĩa là để chiến lược thả nổi đỉnh dịch thành công thì giới chức London phải chấp nhận có thể hy sinh đến gần 12 triệu mạng người.
Bình luận về đề xuất này của người Anh, một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ thốt lên đúng một câu: “QUÁI ĐẢN, NGU DỐT VÀ VÔ NHẬN ĐẠO”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét